Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày? Cách tính chu kỳ kinh nguyệt

Tham vấn y khoa : Bác sĩ

Ngày cập nhật :12/01/2023

Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày? Cách tính chu kỳ kinh nguyệt như nào để chuẩn xác nhất. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp.

Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt được định nghĩa là hiện tượng chảy máu tử cung dưới ảnh hưởng của sự tụt giảm đột ngột estrogen hoặc estrogen cùng progesteron có tính chất chu kỳ.

Hiện tượng này diễn ra mỗi tháng một lần ở người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ. (Tức là kinh nguyệt sẽ xảy ra bắt đầu từ thời kỳ dậy thì đến thời kỳ mãn kinh).

Kinh nguyệt diễn ra đều đặn hàng tháng là do có sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, trật tự và phức tạp của hệ thống nội tiết sinh sản bên trong cơ thể người phụ nữ. Bao gồm: vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng.

Khi có một rối loạn bất kỳ của quá trình hoạt động này sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt cũng như ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.

Để xác định chính xác chu kỳ kinh nguyệt của mình, chị em nên quan sát khoảng 3-4 tháng. Việc biết được cách tính chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày sẽ giúp chị em nắm rõ chu kỳ kinh, xác định ngày rụng trứng. Từ đó dễ dàng tính được ngày đậu thai và tránh thai an toàn. Đảm bảo sức khỏe sinh sản tốt nhất cho bản thân.

Xem thêm: Những điều chị em nên biết: Chu kỳ kinh nguyệt 35 – 40 ngày

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt khá đơn giản nhưng bạn cần đảm bảo theo dõi liên tục trong 4 – 6 tháng. Vậy chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày nào?

Chu kỳ kinh nguyệt được tính bắt đầu từ ngày hành kinh đầu tiên của chu kỳ này đến ngày đầu hành kinh của chu kỳ kế tiếp. Tính từ lúc có kinh cho đến ngày trước ngày có kinh của kỳ kinh sau. Bao nhiêu ngày thì chu kỳ kinh tháng đó của bạn có bấy nhiêu ngày.

Ví dụ: Bạn có kinh vào ngày 5/6 và kỳ kinh tiếp theo có vào ngày 2/7. Vậy thì vòng kinh của bạn được tính từ ngày 5/6 đến ngày 1/7. Tức là vòng kinh 27 ngày.

Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày?

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường diễn ra theo vòng đều từ 28 – 30 ngày. Tuy nhiên, cũng sẽ có một số bạn gái có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hay chu kỳ kinh nguyệt dài hơn.

Chu kỳ kinh nguyệt ngắn

Khi chu kỳ kinh nguyệt chỉ có 20 ngày hoặc thấp hơn thì được xem là vòng kinh sớm. Hay còn gọi là chu kỳ kinh nguyệt ngắn.

Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày?

Chu kỳ kinh nguyệt dài

Khi chu kỳ kinh nguyệt nhiều hơn 35 ngày hoặc dài hơn thì được xem là vòng kinh thưa. Hay còn gọi là chu kỳ kinh nguyệt dài.

Chu kỳ kinh nguyệt dù ngắn hay dài nhưng cố định hàng tháng thì bạn cũng không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, nếu trước đây bạn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, đều đặn. Nhưng đột nhiên kinh nguyệt bất thường thì bạn nên quan sát và xin ý kiến từ các bác sĩ chuyên môn.

Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt

Trải qua bao nhiêu năm với ngày đèn đỏ nhưng bạn có biết một chu kỳ kinh nguyệt diễn ra như thế nào không? Cùng tìm hiểu dưới đây nhé!

Giai đoạn kinh nguyệt (Hành kinh)

Giai đoạn kinh nguyệt là giai đoạn lớp niêm mạc của tử cung (nội mạc tử cung) được loại bỏ ra khỏi cơ thể qua ngả âm đạo. Dịch kinh nguyệt chứa máu, tế bào từ niêm mạc tử cung và dịch nhầy. Kỳ hành kinh thường kéo dài trung bình khoảng từ 3 – 5 ngày.

Giai đoạn nang trứng

Giai đoạn nang trứng bắt đầu diễn ra vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc bằng sự rụng trứng. Dưới tác động của vùng dưới đồi (hypothalamus), tuyến yên tiết ra hormone kích thích nang trứng (FSH). Hormone này kích thích buồng trứng sản xuất khoảng 5 đến 20 nang trứng.

Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt

Mỗi nang trứng chứa một quả trứng chưa trưởng thành. Thông thường, chỉ có một nang trứng phát triển thành trứng trưởng thành. Sự phát triển của các nang trứng kích thích niêm mạc tử cung dày lên tạo điều kiện thuận lợi cho trứng đã thụ tinh làm tổ.

Giai đoạn rụng trứng

Trong giai đoạn tiếp theo, nang trứng phát triển dẫn đến sự gia tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Vùng dưới đồi trong não nhận ra sự gia tăng này và tiết ra một chất hóa học gọi là hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). Hormone này thúc đẩy tuyến yên sản xuất ra hormone luteinising (LH) và FSH nhiều hơn trước.

Trong vòng hai ngày, nồng độ LH cao trong cơ thể sẽ kích hoạt sự rụng trứng. Trứng được phóng vào ống dẫn trứng và đưa về phía tử cung bởi những sợi lông nhỏ trong lòng ống. Sau khi rụng, trứng chỉ tồn tại trong khoảng 24 giờ. Nếu không được thụ tinh trong khoảng thời gian này, trứng sẽ chết.

Lưu ý: Nếu chưa muốn có thai, bạn cần phải tìm hiểu về dấu hiệu rụng trứng, cách tính ngày rụng trứng. Hoặc dùng que thử rụng trứng để có thể quan hệ an toàn như mong muốn nhé!

Giai đoạn hoàng thể

Trong quá trình rụng trứng, trứng thoát ra từ nang trứng, nhưng nang trứng bị vỡ vẫn nằm trên bề mặt buồng trứng.

Trong hai tuần tới hoặc có thể lâu hơn, nang trứng biến đổi thành một cấu trúc được gọi là hoàng thể. Cấu trúc này bắt đầu giải phóng progesterone cùng với một lượng nhỏ estrogen. Sự kết hợp của các hormone này giúp lớp niêm mạc tử cung dày lên, chờ trứng được thụ tinh làm tổ.

Trứng sau khi được thụ tinh bám vào niêm mạc tử cung sẽ tạo ra các hormone cần thiết để duy trì hoàng thể. Bao gồm gonadotropin màng đệm ở người (HCG). Hormone này chỉ được phát hiện khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu thai kỳ. Hoàng thể tiếp tục gia tăng việc sản xuất progesterone ở mức cần thiết để duy trì niêm mạc tử cung dày lên nhằm phục vụ cho quá trình mang thai.

Nếu quá trình làm tổ không diễn ra, hoàng thể sẽ teo và chết đi, dẫn đến sự sụt giảm nồng độ progesterone. Điều này khiến niêm mạc tử cung bị bong ra, thoát ra cùng cùng dịch nhầy và máu. Đây chính là hiện tượng “tới tháng” mà hội bạn gái chúng mình thường hay nhắc đến.

Các dấu hiệu sắp có kinh nguyệt dễ nhận biết nhất

Chắc hẳn ai trong hội bạn gái chúng mình cũng ít nhất một lần gặp rắc rối khi “ngày đèn đỏ” ghé thăm bất chợt. Vì thế, hãy theo dõi các dấu hiệu có kinh nguyệt dưới đây để chủ động chuẩn bị và luôn tự tin sải bước nhé!

  • Khó chịu ở vùng bụng
  • Dịch tiết âm đạo bất thường
  • Tâm trạng thất thường
  • Căng tức ngực
  • Đau mỏi lưng
  • Mất ngủ
  • Các vấn đề ở đường tiêu hóa
  • Mụn xuất hiện trên da

Chu kỳ kinh nguyệt như thế nào là bình thường?

Đối với một chu kỳ kinh nguyệt khoẻ mạnh sẽ có thời gian hành kinh và những đặc điểm như:

  • Chu kỳ đều đặn kéo dài trong khoảng 21 – 35 ngày. Thời gian trung bình là 28 – 30 ngày. Lưu ý rằng xê xích 1-2 chưa hẳn là bất thường. Ngoài ra khoảng thời gian có thể thay đổi theo từng khu vực và sắc tộc.
  • Thời gian hành kinh (thời gian ra máu) dưới 7 ngày. Trung bình trong khoảng 3-5 ngày.
  • Lượng máu mỗi chu kỳ khoảng 30 – 80 ml. Màu sắc và độ đậm đặc ổn định giữa các kỳ kinh. Không có mùi quá khó chịu, hiếm khi gây ngứa hay nóng rát.
  • Các triệu chứng trước, trong và sau khi hành kinh không quá nặng nề, ít tác động xấu đến sinh hoạt: Đau bụng kinh nhẹ – trung bình, nổi mụn ít, căng tức ngực, đau lưng… Không gây ngất, ít hạn chế công việc và học tập.

Lượng máu bao nhiêu là bình thường?

Cùng với câu hỏi “chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày”. Lượng máu khi hành kinh cũng là một thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ. Thông thường, lượng máu mất cho mỗi kỳ kinh của phụ nữ tầm 30-80ml.

Thời gian hành kinh bình trung bình khoảng từ 3-5 ngày (thời gian ra máu âm đạo). Mức bình thường được xem là dưới 7 ngày. Thời gian hành kinh quá ngắn (1-2 ngày) hay quá dài (trên 7 ngày) thường kéo theo rối loạn về lượng máu khi hành kinh. Những hiện tượng này được xem là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt.

  • Lượng máu quá nhiều (>80ml cho mỗi chu kỳ) gọi là cường kinh.
  • Dưới 30ml máu do mỗi chu kỳ gọi là thiểu kinh (kinh ít).

Sự thay đổi đáng kể về lượng máu khi hành kinh có thể báo hiệu những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Một số trường hợp có khả năng tăng nguy cơ vô sinh. Vì vậy khi phát hiện bất thường cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa.

Chu kỳ kinh nguyệt bất thường

Kinh nguyệt của mỗi người rất khác nhau. Ở người này thời gian ra kinh chỉ kéo dài hai đến ba ngày, nhưng ở người khác có thể kéo dài bảy, tám ngày hoặc nhiều hơn.

Khi gặp tình trạng bất thường , nữ giới cần tới cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.

Rong kinh

Hiện tượng rong kinh khi kinh nhiều và ra quá trên 7 ngày , có tính chu kỳ được cho là bất thường.

Rong huyết

Là hiện tượng ra máu dài hơn 7 ngày nhưng không mang tính chu kì. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy khi có triệu chứng, phụ nữ cần đến bệnh viện thăm khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Cường kinh

Cường kinh là tình trạng lượng máu kinh vừa ra nhiều vừa kéo dài nhiều ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ vì gây mất nhiều máu.

Thiểu kinh

Thiểu kinh là tình trạng số lượng máu kinh ra ít và không kéo dài, thường ra kinh 1-2 ngày.

Các yếu tố tác động đến chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị rối loạn do những yếu tố tác động sau:

Tuổi của một người phụ nữ

Khi một cô gái bắt đầu có kinh, có thể có chu kỳ sẽ khá bất thường hoặc rất dài vì chưa ổn định. Có khi kéo dài tới 45 ngày. Kể từ ngày bắt đầu của một chu kì cho đến ngày đầu tiên của chu kì tiếp theo. Điều này là do nội tiết tố của người phụ nữ vẫn còn trong quá trình hoàn thiện. Có thể mất một thời gian để các chu kì xuất hiện đều đặn.

Ở thời kì này, các chu kì kinh nguyệt có thể không đoán trước được. Tương tự như vậy, khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh hoặc kết thúc vòng đời sinh sản. Chị em sẽ nhận thấy thay đổi khác trong chu kỳ kinh nguyệt của mình.

Yếu tố di truyền

Khoảng cách của các chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng bởi di truyền. Một người phụ nữ có thể có “mô hình” kinh nguyệt cụ thể gần giống với mẹ của mình, cả về thời gian và lượng máu.

Căng thẳng

Căng thẳng quá mức là một sự kiện thay đổi cuộc sống. Có thể ảnh hưởng và có những thay đổi nhất định trong chu kì kinh nguyệt.

Mất cân bằng nội tiết tố

Phương pháp ngừa thai, rối loạn ăn uống, tập thể dục không đúng cách, béo phì quá mức. Và các lý do khác làm mất cân bằng nội tiết tố cũng có thể làm thay đổi độ dài của chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Xem thêm: Chu kỳ kinh nguyệt 35-40 ngày có sao không? Bảng tính chu kỳ kinh

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai và tránh thai

Cách tình chu kỳ kinh nguyệt cho các bạn gái là yếu tố quan trọng giúp các chị em chủ động hơn trong đời sống tình dục, biết cách phòng tránh thai khi chưa đủ điều kiện hay tính toán thời điểm thụ thai cho xác suất cao.

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể phân chia thành 3 giai đoạn gồm: Thời kì an toàn tương đối, thời kì nguy hiểm và thời kì an toàn tuyệt đối. Mỗi thời kì có đặc điểm riêng có liên quan đến vấn đề trứng rụng, cụ thể:

‍Thời kì an toàn tuyệt đối

Đây là thời kì mà nếu bạn quan hệ tình dục thì hầu như không thể mang thai. Thời gian an toàn được tính từ ngày 20 của kì kinh này cho đến trước ngày đầu của kì kinh trong tháng tiếp theo.

Trong thời kì này, khả năng thụ thai thấp vì trứng rụng của những ngày trước đang bị phân hủy chuẩn bị bị đẩy ra ngoài dười hình thức kinh nguyệt. Tuy nhiên điều này không đúng một cách tuyệt đối. Vẫn có trường hợp thụ thai trong thời kì này do trứng rụng không cùng thời điểm nên quá trình phân hủy diễn ra cũng không đồng nhất.

Cách tính này chỉ phù hợp với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, ổn định trong khoảng 28 – 30 ngày. Với những bạn gái có chu kì kinh nguyệt không đều thì tốt nhất không nên áp dụng cách tính này để phòng tránh thai.

Thời kì cực kì nguy hiểm

Thời kì nguy hiểm được tính là thời điểm mà trứng rụng trước 5 ngày hoặc là sau 5 ngày. Cụ thể là nếu bạn có chu kì kinh nguyệt 30 ngày thì ngày trứng rụng thường là ngày 14 hoặc 15. Vậy, với chu kỳ kinh nguyệt đó thì ngày báo động nguy hiểm đối với việc thụ thai sẽ là nằm trong khoảng 10 ngày, từ ngày 9 đến ngày 19.

Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai và tránh thai

Nếu bạn quan hệ trong thời kì này thì nguy cơ mang thai rất cao. Chúng ta cũng có thể nhận biết ra thời kì nguy hiểm này thông qua một số dấu hiệu như bụng dưới đau lâm râm và khí hư ra nhiều hơn bình thường.

Nếu bạn chưa muốn mang thai thì cần tránh quan hệ trong những ngày này hoặc nếu quan hệ thì nên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn.

Thời kì an toàn tương đối

Vì thời kì này mang tính tương đối nên khả năng mang thai vẫn diễn ra. Thời gian an toàn tương đối được tính trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ 9 của chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Để đảm bảo an toàn với việc tránh thai thì các bạn không nên quan hệ trong thời kì này.

Lời khuyên của bác sĩ

Kinh nguyệt của bạn gái có những dao động thông thường (vài ba ngày) và dao động bất thường (một tuần, nửa tháng) dẫn đến việc tính toán có thể không chính xác. Bởi vậy, nếu trong trường hợp chưa muốn có thai. Tốt nhất các bạn gái nên áp dụng các cách tránh thai an toàn hơn. Cụ thể như: Dùng bao cao su hay thuốc tránh thai khi quan hệ tình dục.

Ngoài ra, trong thời kì kinh nguyệt, phần lớn các chị em thường gặp phải các triệu chứng khó chịu như đau lưng, đau bụng dưới, mặt nổi mụn… gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Để ngăn ngừa và làm giảm những triệu chứng này, các chị em nên chú ý những vấn đề sau:

  • Bố trí thời gian nghỉ ngơi thư giãn hợp lý. Không nên làm việc nặng hay những việc gây áp lực cao khiến tâm lý căng thẳng, mệt mỏi.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê hay thuốc lá. Không ăn, uống những đồ lạnh.
  • Trong trường hợp bị đau bụng dưới thì có thể xoa bóp nhẹ nhàng, chườm khăn ấm lên vùng bị đau.
  • Khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết, lượng muối sử dụng ít hơn thường ngày.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách trong những ngày hành kinh.

Trên đây là một số chia sẻ về chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày, dấu hiệu chu kỳ kinh bình thường và bất thường. Cùng với đó là cách tính chu kỳ kinh để quan hệ. Hy vọng, bài viết đã giúp các bạn có thêm những thông tin hữu ích.