Cây sả: Công dụng và những bài thuốc tuyệt vời cho sức khỏe

Tham vấn y khoa : Bác sĩ

Ngày cập nhật :15/12/2022

Cây sả là loại cây có rất nhiều công dụng. Không chỉ dùng trong các món ăn mà còn là dược liệu để điều trị nhiều loại bệnh. Như rối loạn tiêu hóa, trị ho, giải cảm, nhức đầu,…Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ về loại cây này, thì hãy theo dõi và cùng chúng tôi tìm hiểu  qua bài viết dưới đây nhé!

Thế nào là cây sả?

Cây sả là loại cây có tên khoa học là Cymbopogon citratus stapf và chúng là cây thuộc họ Lúa. Hơn thế nữa, cây sả còn được gọi với một vài tên khác như hương mao, sả chanh,…

thế nào là cây sả

Ở Việt Nam, cây sả là cây thường sống thành bụi, với chiều cao khoảng 1-1,5m. Thân rễ thường có màu tía hoặc màu trắng xanh. Phiến lá có chiều dài cỡ 1m, nhưng khá hẹp và các bẹ lá luôn cuốn chặt với nhau. Ngoài ra, mép lá thường rất nhám và khi bạn vò lá, sẽ có mùi thơm rất dễ chịu.

  • Tên khác: Sả chanh, cỏ sả, hương mao hoặc lá sả
  • Tên khoa học: Cymbopogon flexuosus Stapf (Sả chanh), Cymbopogon winterianus Jowitt (sả Java)
  • Họ: Lúa Poaceae (Gramineae)

Đặc điểm sinh thái, phân bố và thu hoạch

Sả có thân rễ trắng hay hơi tím. Lá hẹp, dài giống như lá lúa, mép hơi nháp. Toàn cây có mùi thơm đặc biệt.

Sả mọc chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cũng thích nghi với vùng á nhiệt đới. Các nước châu Á có truyền thống trồng sả là: Indonesia, Srilanca, Goatemala, Trung Quốc, Ấn Độ, Philipine, Đài Loan…

Ở nước ta sả mọc hoang dại ở khắp các vùng trong nước, nhiều tỉnh đã sản xuất trên diện tích lớn để chưng cất tinh dầu.

Sản phẩm chính của cây sả là tinh dầu được tích luỹ trong thân lá. Hàm lượng tinh dầu biến động từ 0,4 – 2,0% tuỳ thuộc vào giống. Cũng như điều kiện vùng sinh thái (khí hậu đất đai) và chế độ chăm sóc, bón phân.

Các thành phần hóa học chính của tinh dầu sả là geraniol và citronellol có tác dụng sát trùng. Nó chứa 65 – 85% thành phần citral và hoạt động như myrcene. Có tác dụng kháng khuẩn và làm thuốc giảm đau citronellol và geranilol.

Dầu sả được chưng cất và làm mát để tách dầu ra khỏi nước. Hydrosol là một sản phẩm của quá trình chưng cất, là nguyên liệu để tạo ra kem dưỡng da, dầu thơm dược phẩm và mỹ phẩm. Đặc biệt dùng trong công nghệ xà phòng thơm có tính sát khuẩn.

Sả rất dễ trồng, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật có thể thu 5 – 6 lần trong một năm. Thời điểm thu hoạch sả tốt nhất là lúc cây sả đã có từ 5 – 6 lá trưởng thành. Ngọn lá tính từ ngoài vào trong dài khoảng 5 – 6 cm đã chớm khô, màu lá từ xanh chuyển sang màu vàng.

Công dụng của cây sả

Cây sả không chỉ được sử dụng trong những món ăn mà còn là nguyên liệu để chữa bệnh. Dưới đây là một số công dụng của cây sả.

công dụng của cây sả

Tốt cho hệ tiêu hóa

Đối với những ai có vấn đề về tiêu hoá, sả sẽ là một bài thuốc cực hữu ích. Bởi sả có thể ngăn sự đầy hơi, kích thích tiêu hoá, khử hôi miệng và tiêu đờm.

Bên cạnh đó, tinh dầu sả và trà sả hỗ trợ hệ tiêu hóa kém, ăn chậm tiêu. Cũng như đầy bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, co thắt ruột, tiêu chảy hay kích thích trung tiện.

Mỗi ngày, nếu uống từ 3 – 6 giọt tinh dầu sả, bạn có thể giúp cho chứng đau bụng và đầy hơi của mình được thuyên giảm. Trong trường hợp bạn bị táo bón kèm sốt thì không nên dùng sả, cũng như không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng sả.

Ngăn ngừa ung thư

Theo một số nghiên cứu, trong sả có chứa chất citral giúp tiêu diệt các tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khoẻ mạnh khác. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy sả chứa beta-carotene-1 là loại chất chống oxy hóa có thể giúp cơ thể ngăn ngừa ung thư.

Các chuyên gia khuyến khích sử dụng sả làm gia vị cho thức ăn hoặc giã nhuyễn rồi vắt nước uống đều đặn thay cho trà.

Hỗ trợ rối loạn kinh nguyệt

Đối với các chị em phụ nữ thường gặp triệu chứng rối loạn kinh nguyệt hay đau bụng những lúc hành kinh thì sả là một bài thuốc rất tốt. Một vài giọt tinh dầu sả cùng ít bột tiêu tiêu đen hoặc nước sả tươi có thể giúp kinh nguyệt của bạn được điều hoà hơn và giảm bớt các cơn đau bụng.

Giúp giải độc

Nếu bạn thấy cơ thể có vấn đề, sả có thể giúp bạn loại bỏ axit uric, giải độc gan, hệ tiêu hóa, tuyến tụy, thận và bàng quang. Đồng thời, sả cũng có tác dụng thanh lọc cơ thể bằng cách tăng cường số lượng và tần xuất đi tiểu.

Ngoài ra, sả còn giúp giải rượu rất tốt, một cốc nước được nấu ấm sẽ giúp người say nhanh chóng tỉnh táo, đỡ mệt mỏi, nhức đầu.

Giúp hạ huyết áp

Sả có khả năng tuần hoàn máu tốt, do đó, nếu bạn đang gặp vấn đề về huyết áp cao thì hãy uống một cốc nước sả nhé!

Giúp hạ sốt

Ngoài cách giã lấy nước, bạn có thể ăn sống sả để làm giảm các cơn sốt rét, cúm hay cảm lạnh.

Khi trữ sả trong nhà, bạn vừa có thể trị cảm nhanh chóng, ngoài ra, sả còn giúp đuổi muỗi tốt và làm giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết cho các thành viên trong gia đình.

Hỗ trợ cho hệ thần kinh

Sả giúp tăng cường và cải thiện các chức năng của hệ thần kinh, hỗ trợ điều trị một số bệnh như Alzheimer (bệnh mất trí nhớ ở người già), bệnh Parkinson, co giật, căng thẳng, chóng mặt, run rẩy chân tay và động kinh…

Giúp xua đuổi côn trùng

Chất geraniol và citronella có chứa trong chanh và sả là một mùi thơm đặc biệt tự nhiên, do đó nhiều gia đình thường sử dụng chanh hay sả như một chất xua đuổi ruồi, muỗi trong nhà.

Giúp làm đẹp da

Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, tinh dầu sả đóng vai trò quan trọng bởi sự lành tính cũng như cải thiện chất lượng da, giảm mụn trứng cá, mụn nhọt, đặc biệt làm săn chắc các cơ và mô trong cơ thể.

Cây sả giúp giảm cân

Với người Thái Lan, sả có vị trí đặc biệt quan trọng trong ẩm thực của họ. Sả có tác dụng như ớt với khả năng đốt cháy mỡ thừa, làm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và giúp máu lưu thông tốt hơn.

Tạo mùi hương dễ chịu

Trong ẩm thực, sả được sử dụng để tạo hương thơm cho món ăn. Ngoài ra, lá sả còn được sử dụng để tạo mùi cho các loại trà thảo dược.

Còn đối với ngành mỹ phẩm, sả được dùng để tạo mùi cho xà phòng và cọ trang điểm. Ngoài ra, người ta còn dùng sả để tạo ra vitamin A và citral tự nhiên.

Xem thêm: 10+ Lợi ích tuyệt vời của rau má – Hướng dẫn cách dùng chi tiết

Giàu chất dinh dưỡng

Có thể bạn sử dụng sả hằng ngày, nhưng bạn không biết rằng, một chén sả có chứa khoảng hơn 10% hàm lượng sắt, magiê, kali, kẽm và folate khuyến nghị hàng ngày.

Khoáng chất có hàm lượng cao nhất trong đó là mangan – khoảng 175% giá trị khuyến nghị. Mangan là một chất dinh dưỡng thiết yếu và có tác dụng điều trị các bệnh loãng xương, thiếu máu. Và hội chứng tiền kinh nguyệt.

Giúp sát khuẩn da

Các nhà khoa học đã sử dụng sả để điều trị nhiễm khuẩn vị cầu. Và phát hiện thấy các đặc tính sát khuẩn tiềm ẩn của sả có hiệu quả hơn các loại thuốc kháng sinh và streptomycin.

Nếu sử dụng sả để tẩy rửa hoặc đắp lên da, vùng da đó sẽ tránh bị nhiễm trùng. Ngoài ra, khi ngâm chân trong nước ấm chứa 2 – 3 giọt tinh dầu sả trong 20 phút sẽ giúp bạn chữa được bệnh nấm da.

Đặc tính kháng viêm

Chiết xuất sả chính là phương pháp điều trị các bệnh viêm nhiễm vô cùng hiệu quả. Các nhà nghiên cứu khẳng định các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong sả giúp làm giảm sự căng thẳng.

Cây sả còn chính là một liệu pháp điều trị bệnh viêm ruột vì có khả năng ức chế quá trình sản sinh leukocyte – một loại tế bào bạch cầu, từ đường ruột bị viêm nhiễm.

10+ Bài thuốc trị bệnh từ cây sả

Dưới đây là một số bài thuốc trị bệnh từ cây sả mà không phải ai cũng biết:

bài thuốc trị bệnh từ cây sả

Chữa rối loạn tiêu hóa và đau bụng

Dùng 30 – 50 gram sả tươi đem đun sôi. Sau đó hòa một lượng đường vừa phải, đủ ngọt và uống 2 – 3 lần mỗi ngày. Còn đối với chứng đau bụng đi tả, ngộ độc rượu hoặc bội thực, nên dùng 6 – 12 gram.

Giải rượu

Muốn giải rượu nhanh chóng, bạn phải có một vài củ sả và rửa sạch. Sau đó, giã nát với nước lọc và vắt nước ra một cốc nhỏ. Cuối cùng, bạn chỉ cần cho người say uống, người đó sẽ nhanh chóng không còn đau đầu và trở nên tỉnh táo hơn.

Chữa đau bụng tiêu chảy do lạnh

Dùng 12 gram củ sả, 20 gram củ gấu, 12 gram búp ổi và 12 gram vỏ quýt khô. Sắc chung với 2 bát nước cho đến khi cạn còn 1 bát.

Uống khi nước thuốc còn nóng. Đối với trẻ nhỏ nên chia ra uống 2 – 3 lần trong ngày. Trong trường hợp triệu chứng bệnh không khỏi, bệnh nhân có thể thêm 15 gram tía tô sắc uống chung.

Chống trầm cảm

Sử dụng vài giọt tinh dầu sả pha trong cốc nước ấm và uống mỗi ngày sẽ giúp cải thiện tình trạng trầm cảm. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể nấu nước sả tắm hoặc xông hơi để giảm tình trạng căng thẳng và mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc.

Tốt cho tóc

Sử dụng 1 nắm thân sả đem nấu với 1,5 lít nước. Sau khi nước sôi, chờ nước nguội hoặc pha thêm nước, dùng gội đầu. Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ tuần giúp tóc mượt, chắc khỏe và hạn chế tình trạng rụng tóc.

Chữa ho

Sử dụng 250 gram rễ cây sả kết hợp với 250 gram trần bì và 250 gram sinh khương. Tất cả các vị thuốc này đem giã nát và ngâm với 200 ml rượu trắng 40 độ.

Sau đó, dùng 500 gram bách bộ đã được bỏ lõi, thái nhỏ và sao khô với 300 gram mạch môn bỏ lõi. Và 200 gram tang bạch bì sao mật đem đun nước cho đến khi cạn thành cao lỏng 300 ml.

Cuối cùng, trộn chung cao lỏng và rượu lại với nhau. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần và mỗi lần uống khoảng 10 ml.

Giảm cân

Dùng 10 nhánh sả đem rửa sạch, đập dập rồi cho vào nồi cùng với vài lát chanh tươi, đun sôi.

Sau khi nước sôi, lọc lấy nước và chờ nước nguội rồi pha thêm mật ong. Uống nước này vào mỗi buổi sáng sớm sẽ giúp đốt cháy mỡ thừa và thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân.

Chữa đái rắt và phù nề chân

Sử dụng 100 gram lá sả, 50 gram rễ cỏ tranh, 50 gram rễ cỏ xước. Và 50 gram bông mã đề đem rửa sạch, cắt nhỏ và đem phơi khô.

Sau đó, cho vào ấm đun sôi với 400 ml nước. Chờ thuốc cạn còn 100 ml, lọc lấy thuốc, chia đều uống 2 lần trong ngày. Uống liên tục 3 – 4 ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.

Làm sạch gàu, trơn tóc

Lá sả, hương nhu, lá bưởi mỗi vị 30g, rửa sạch đun với nước, để ấm gội đầu. Mỗi tuần nên gội 2 lần. Nước gội đầu có vị sả không những làm thơm tóc, sạch gầu mà còn tránh những bệnh về tóc và da đầu.

Giải cảm

Lá sả, lá bưởi, lá chanh, cúc tần, hương nhu hoặc lá bạch đàn (có thể thêm tía tô, bạc hà, kinh giới), mỗi thứ 50g, cho vào nồi, đậy kín, đun sôi trong 5 – 10 phút.

Lấy ra, mở nắp, trùm chăn xông hơi cho ra mồ hôi, lau khô, rồi uống một bát nước thuốc, đắp chăn, nằm nghỉ.

Sả có công dụng khử hôi miệng

Với cách điều trị này rất đơn giản và nhanh chóng, chỉ cần dùng củ sả non rửa sạch và thái nhỏ. Sau đó, cần phơi khô và tán bột, để khử mùi hôi ở miệng, bạn sẽ lấy 10g sả đã được tán bột ngâm với nước, để súc miệng.

Tác hại của cây sả

Sử dụng nhiều sả trong một thời gian dài là điều không hề có lợi. Dưới đây là một số tác hại khi quá lạm dụng cây sả:

  • Gây nóng trong: Sử dụng sả quá nhiều với lượng lớn thường xuyên dễ khiến bạn bị nóng trong bởi sả có tính ấm. Ăn nhiều sả có thể làm bạn bị nổi mụn, nhọt, khó chịu trong người về đêm gây khó ngủ.
  • Dị ứng: Một số người có thể bị dị ứng với các thành phần trong cây sả. Bạn có thể bị mẩn ngứa trên da, xuất hiện các vết đỏ có cảm giác hơi nóng rát… Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều.
  • Khó tiêu, táo bón: Nếu dùng nhiều sả liên tục cơ thể bạn sẽ gặp một số trục trặc liên quan đến tiêu hóa, nóng trong và ăn uống khó tiêu, nặng hơn có thể gây táo bón, đi ngoài khó khăn.

Một số lưu ý khi dùng sả

Trước khi sử dụng, người dùng cần rửa sả sạch sẽ. Có thể sử dụng thuốc tím để loại bỏ mầm mống sâu bệnh, vi trùng, thuốc trừ sâu.

Nếu áp dụng các bài thuốc từ sả, người bệnh nên tham khảo ý kiến, xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Công hiệu của bài thuốc còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nếu cơ địa người bệnh không hợp với bài thuốc, người bệnh có thể sẽ gặp phải những tác dụng không mong muốn, thậm chí phản tác dụng.

Cây sả có tính ấm giúp người bệnh tiết mồ hôi, nên thích hợp cho việc chữa các bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Vì vậy, những trường hợp như cảm lạnh, rét run, không ra mồ hôi, ho, hắt hơi… có thể áp dụng các bài thuốc từ cây sả. Người bị cảm nhiệt, cảm nắng không nên dùng các bài thuốc từ sả để xông hoặc uống. Người bệnh có thể sẽ bị hao khí và tân dịch.

Xem thêm: Cây tầm bóp là gì? Công dụng và các bài thuốc quý từ loài cây dại

Cách trồng và chăm sóc cây sả

Là một loài cây có sức sống khá tốt, sả được trồng phổ biến ở khắp mọi nơi. Ngay cả trong các hộ gia đình, người ta vẫn thường trồng một vài khóm sả để sử dụng cho các món ăn hay những khi trúng bệnh.

Có nhiều cách để bạn trồng và nhân giống sả như việc dùng nhánh chiết từ khóm có đủ gốc, rễ. Sau đó tỉa bớt lá có chiều dài từ 20 – 30 cm và đem chôn dưới đất hoặc trong chậu nhựa.

Đây là cách làm phổ biến vì dễ thực hiện giúp sả nhanh chóng phát triển và bám đất tốt. Được tách chiết từ khóm bố mẹ. Nên các đặc tính phát triển của nhánh sả con sẽ được bảo tồn và duy trì.

Cây sả không cần quá cầu kỳ trong khâu chăm bón bởi nó có sức sống phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh. Sau 1 tháng trồng bạn có thể bón thêm phân ure bổ sung vi chất dinh dưỡng cho sả phát triển nhanh.

Vào mùa mưa, sả có nguy cơ thiếu sắt nên bạn dùng dung dịch sunphat sắt 0,25% để bón cho sả. Khoảng 3 tháng, khi sả phát triển thành nhiều nhánh khác nhau bạn cần thêm đất để tạo môi sinh cho sả tiếp tục đẻ nhánh.

Vậy chắc hẳn sau khi đọc đến đây, bạn đã hiểu khá rõ về cây sả. Dường như, ngoài công dụng để làm ra các món ăn ngon, thì sả còn được biết đến là dược liệu chữa khá nhiều loại bệnh khác nhau. Hy vọng, bạn đã tìm được những thông tin, cũng như kiến thức mà bạn đang cần.