[Chia sẻ] Kinh nghiệm đi khám bệnh viện việt đức và chi phí dịch vụ
Ngày cập nhật :23/11/2022
Nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thăm khám, bài viết dưới đây sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm thăm khám tại bệnh viện Việt Đức. Bảng giá dịch vụ, lịch khám và danh sách các khoa, bác sĩ bệnh viện. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Nội Dung Chính
- 1 Đôi nét về bệnh viện Việt Đức
- 2 Bệnh viện Việt Đức chuyên về gì?
- 3 Bệnh viện Việt Đức có thế mạnh về nam khoa
- 4 Các phương pháp ngoại khoa tiên tiến
- 5 Sơ đồ bệnh viện Việt Đức
- 6 Lịch khám bệnh viện Việt Đức
- 7 Danh sách bác sĩ bệnh viện Việt Đức
- 8 Bảng giá dịch vụ bệnh viện Việt Đức
- 9 Kinh nghiệm khi đi khám ở bệnh viện Việt Đức
- 10 Những điều cần biết khi làm thủ tục BHYT nội trú cho người bệnh mổ cấp cứu
- 11 Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đi khám?
- 12 Đường đi đến Bệnh viện Việt Đức
- 13 Một số lưu ý khi đến khám tại Bệnh viện Việt Đức
Đôi nét về bệnh viện Việt Đức
Bệnh viện Việt Đức được thành lập từ năm 1906, tiền thân là Nhà thương bảo hộ. Đến nay bệnh viện Việt Đức đã trở thành bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt. Nơi đây được biết đến là một trong những trung tâm phẫu thuật có quy mô lớn nhất nước ta.
Việt Đức là nơi hội tự các bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm. Từng điều trị thành công cho nhiều ca bệnh khó từ tuyến dưới chuyển lên. Tính trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện khoảng 28.000 ca phẫu thuật điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong cơ thể.
Bên cạnh công tác sơ cấp cứu và khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện Việt Đức còn được Bộ y tế giao cho các trọng trách sau:
- Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các tuyến cơ sở
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học có ứng dụng thực tiễn cao về sức khỏe.
- Xây dựng và chỉ đạo công tác phòng bệnh
- Hợp tác với các tổ chức quốc tế để cập nhật, tiếp thu được những kiến thức mới về y khoa.
Do là cơ sở y tế lớn của trung ương, nên lượng bệnh nhân ở khắp nơi đổ về thăm khám tại đây rất cao. Vì vậy, để đỡ mất thời gian, trước khi đi khám bệnh ở bệnh viện Việt Đức. Bạn nên tìm hiểu một số thông tin về bệnh viện này để quá trình khám diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.
Xem thêm: Bệnh viện Bạch Mai ở đâu ? – Review kinh nghiệm thăm khám, chi phí
Bệnh viện Việt Đức chuyên về gì?
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa ngoại, có thế mạnh về khám, điều trị và tiến hành phẫu thuật cho nhiều chuyên khoa khác nhau.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nam học của bệnh viện cũng ngày càng phát triển và có nhiều bệnh nhân đến khám, trở thành một trong những địa chỉ khám nam khoa hàng đầu hiện nay.
Bệnh viện khám, điều trị, phẫu thuật các chuyên khoa có thế mạnh:
- Bệnh lý thần kinh
- Nội – Hồi sức thần kinh
- Bệnh tim mạch và lồng ngực
- Ngoại nhi và trẻ sơ sinh
- Bệnh lý tiêu hóa
- Bệnh cột sống/thoát vị đĩa đệm
- Chi trên và y học thể thao
- Bệnh lý chi dưới
- Khám xương và điều trị ngoại trú
- Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt – thẩm mỹ
- Phục hồi chức năng
- Phẫu thuật nhiễm khuẩn
- Bệnh đường tiết niệu
- Bệnh nam học/nam khoa
- Bệnh lý gan mật
- Ung bướu
- Thận lọc máu
- Bệnh lý hậu môn trực tràng
- Khu khám theo yêu cầu
Bệnh viện Việt Đức có thế mạnh về nam khoa
Nam khoa trở thành một trong những vấn đề của thời đại. Đây cũng là một trong những lĩnh vực chuyên khoa có thể mạnh của Bệnh viện Việt Đức.
Hiện nay, trung bình 1 tuần, Trung tâm Nam học khám khoảng 400-500 bệnh nhân, số mổ lớn và tiểu phẫu khoảng 30-50 bệnh nhân.
Điều trị nội khoa: bệnh vô sinh nam giới, mãn dục nam giới, suy sinh dục nam. Rối loạn cương dương, rối loạn xuất, viêm đường tiết niệu – sinh dục. Các bệnh lý liên quan đến viêm – tổn thương da bộ phận sinh dục…
Điều trị ngoại khoa:
- Giãn tĩnh mạch tinh, tinh hoàn ẩn, đặt tinh hoàn giả, sinh thiết tinh hoàn – mào tinh hoàn. Nang mào tinh hoàn – nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn…
- Các phẫu thuật trên dương vật: tạo hình niệu đạo – lỗ đái lệch thấp, mất đoạn niệu đạo, cong vẹo dương vật – xơ cứng vật hang. Tạo hình dương vật, đặt vật giả dương vật, phẫu thuật điều trị rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh…). Phẫu thuật nối dương vật vi phẫu…
- Các phẫu thuật điều trị vô sinh: nối ống dẫn tinh – ống dẫn tinh vi phẫu, nối ống dẫn tinh – mào tinh
- Phẫu thuật tiểu khung: Phẫu thuật cắt nang túi tinh, phẫu thuật cắt túi tinh điều trị bệnh lý túi tinh…
- Các phẫu thuật liên quan đến tiết niệu: Đốt giãn tĩnh mạch niệu đạo nội soi điều trị chảy máu niệu đạo khi cương. Cắt xử lý vùng ụ núi – tuyến tiền liệt – cổ bàng quang nội soi điều trị rối loạn xuất tinh.
- Các phẫu thuật khác: phẫu thuật định giới cho những trường hợp rối loạn biệt hoá giới tính, phẫu thuật điều trị vú to ở nam giới…
Các phương pháp ngoại khoa tiên tiến
Bệnh viện Việt Đức là địa chỉ uy tín hàng đầu về ngoại khoa, tiến hành khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các kỹ thuật chụp chiếu, xét nghiệm, thăm dò chức năng cơ bản và chuyên sâu hàng ngày cho người dân.
Trong hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực chuyên môn sâu.
Phẫu thuật tim mạch
Mổ tim mở được tiến hành thường quy, tiến hành các kỹ thuật tim mạch khó, thay van tim, kỹ thuật Bentall, bắc cầu mạch vành, mổ nối mạch ở tim đang đập.
Phẫu thuật Thần kinh
Mổ chấn thương sọ não, bệnh ở não – tuỷ sống, mổ u tuyến yên qua xoang bướm, mổ u thần kinh VIII qua mê nhĩ có sử dụng dao siêu âm.
Phẫu thuật Nội soi và nội soi can thiệp
- Mở thông dạ dày qua nội soi, chụp đường mật tuỵ lấy sỏi giun qua nội soi.
- Cắt nội soi u phì đại tuyến tiền liệt.
- Các loại phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật, cắt u tuyến thượng thận, cắt dây thần kinh X, u nang buồng trứng, cắt lách, cắt ruột thừa bằng nội soi an toàn, tai biến ít, giảm ngày điều trị, phục hồi sau mổ nhanh.
Phẫu thuật gan mật tuỵ
- Cắt gan các loại do ung thư, bệnh gan mật và chấn thương.
- Điều trị phẫu thuật sỏi mật trong và ngoài gan.
- Sử dụng nội soi đường mật để chẩn đoán và điều trị (tán sỏi) qua da hay trong mổ.
- Sử dụng dao siêu âm trong cắt gan (ít chảy máu, nhanh).
- Các phẫu thuật về biến chứng chảy máu do xơ gan – tǎng áp lực tĩnh mạch cửa
Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình
Các loại chấn thương, thay khớp háng một bên hay toàn bộ, nội soi khớp.
Phẫu thuật tiêu hoá
Các kỹ thuật khó phức tạp như cắt bỏ và tạo hình thực quản, cắt khối tá tuỵ, cắt toàn bộ dạ dày, cắt đại tràng các loại.
Các kỹ thuật khác
- Điều trị tán sỏi thận ngoài cơ thể bằng máy tán sỏi hiện đại, đạt tỷ lệ khỏi cao trong lần tán đầu tiên và an toàn.
- Phối hợp tán sỏi qua da, qua nội soi niệu quản giải quyết các loại sỏi tiết niệu.
- Hỗ trợ và đào tạo chuyên môn trong các trường hợp ghép thận ở các trung tâm khác trong cả nước từ nǎm 1992 và nǎm 2000 bắt đầu tiến hành ghép thận ở Bệnh viện
- Bước đầu sử dụng Laser – quang động học liệu pháp trong điều trị bệnh ung thư não, bàng quang, trĩ, rò hậu môn và một số các bệnh khác.
- Bệnh viện Việt Đức là một trong những cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam áp dụng các phương pháp điều trị ngoại khoa hiện đại như ghép gan người lớn, ghép gan lấy từ người cho chết não, ghép tim từ người cho chết não, ghép đa tạng lấy từ người cho chết não.
- Mổ bắc cầu mạch vành, mổ u tuyến yên không cần mở hộp sọ, mổ nội soi cột sống. Phẫu thuật cột sống ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật cắt gan. Phẫu thuật cắt khối tá tuỵ, phẫu thuật nội soi não và một số phẫu thuật khác ngang tầm khu vực và thế giới.
Địa chỉ bệnh viện Việt Đức
- Phòng khám: Nhà C2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
- Địa chỉ: Số 16 Phủ Doãn, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội
- Số điện thoại: 024 3825 3531 (Số máy lẻ 278, 300)
- Website: http://benhvienvietduc.org
Sơ đồ bệnh viện Việt Đức
Bạn cần đến đúng cổng ra vào bệnh viện để tránh mất công di chuyển, Chú ý các tuyến đường quanh bệnh viện là đường 1 chiều.
Khu khám bệnh Theo yêu cầu C4 là tòa nhà thứ 2 bên tay trái khi đi từ cổng số 8 vào
- Địa chỉ: 18 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nằm ngay sau tòa nhà cấp cứu.
- Khu C4 tiếp đón, khám và điều trị tất các chuyên khoa của bệnh viện: thần kinh, tim mạch, khám ngoại, khám ung bướu. Các bệnh về cơ xương khớp, cột sống, khám nam học. Ngoại nhi và trẻ sơ sinh, tiết niệu, khám phẫu thuật chấn thương chung,…
Khoa điều trị theo yêu cầu 1C thuộc tòa nhà B9 – Khoa điều trị tự nguyện, nằm ở cổng số 3
- Địa chỉ: 8 Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Khoa 1C cũng thực hiện tiếp đón người bệnh khám ban đầu cho 1 số chuyên khoa nhất định. Bao gồm cả dịch vụ nội trú bao gồm: Tiết niệu, Tiêu hóa, Chấn thương-chỉnh hình, siêu âm tổng quát. Nội soi dạ dày, đại tràng trực tràng.
Lưu ý:
Bệnh viện có 2 cổng gửi xe cho bệnh nhân và người nhà: Cổng số 3 (ĐC: số 8 Phủ Doãn) hoặc cổng số 7 (ĐC: số 14 Phủ Doãn). Giá gửi xe máy ban ngày (từ 6h-18h) là 3.000đ/lượt, từ 18h-22h là 5.000đ/lượt, Không trông qua đêm.
Bạn có thể gửi xe tại các nhà xe tự phát ở cổng viện, giá gửi xe là 10.000đ sau 18h00 sẽ tăng giá.
Cổng số 40 là cổng dành riêng cho cán bộ nhân viên bệnh viện, người nhà và bệnh nhân không đi cổng này.
Lịch khám bệnh viện Việt Đức
Dưới đây là thời gian làm việc tại bệnh viện Việt Đức
Lịch khám tại khoa khám bệnh
Hiện tại, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang triển khai thăm khám và tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần (thứ 7, chủ nhật nghỉ). Thời gian cụ thể:
Mùa hè:
- Sáng: Từ 7h đến 12h
- Chiều: Từ 13h30 đến 16h30
Mùa đông:
- Sáng: Từ 7h đến 12h
- Chiều: Từ 13h30 đến 16h
Thời gian làm việc tại khu khám bệnh theo yêu cầu
Người bệnh cần đến đúng cổng và chú ý thời gian làm việc để tránh mất công di chuyển:
- Khu khám theo yêu cầu C4 (cổng số 8): 7h00 – 16h00. Từ thứ 2 đến thứ 7
- Khoa điều trị theo yêu cầu 1C (cổng số 3): 7h00-16h30. Từ thứ 2 đến thứ 7
Lưu ý: Bệnh viện KHÔNG tiếp nhận đăng ký khám sau 15:45 hàng ngày, người bệnh chú ý đặt khám trước giờ này để tránh mất công thăm khám bệnh.
Danh sách bác sĩ bệnh viện Việt Đức
Dưới đây là danh sách 1 số bác sĩ nổi tiếng ở bệnh viện Việt Đức :
PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng
- Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
- Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và Tầng sinh môn – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
BSCKII. Nguyễn Quốc Hùng
- Phó Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
ThS.BS Cấn Văn Sơn
- Phó Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
- Chuyên chẩn đoán và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa.
BS Hà Nguyễn Kính Long
- Trưởng Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
- Bác sĩ tại khoa Khám bệnh– Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
ThS. BS Nguyễn Hoàng Hải
- Bác sĩ tại Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
- Chuyên khám, điều trị các bệnh về Tai – Mũi – Họng
Bảng giá dịch vụ bệnh viện Việt Đức
Bạn nên chuẩn bị trước các chi phí như: tiền khám; tiền chụp chiếu, xét nghiệm; tiền thuốc; tiền cọc (nếu mượn đồ của Bệnh viện)…
Chi phí xét nghiệm, chụp chiếu và cận lâm sàng khác rất đa dạng. Tùy theo tình trạng của bạn như thế nào mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp.
Bảng giá tại khoa khám bệnh
Chúng tôi chỉ giới thiệu về giá khám lâm sàng, khám chuyên khoa tại Bệnh viện Việt Đức.
- Khám tại Khoa khám bệnh: giá khám là 39.000 đồng
- Riêng chuyên khoa Tai Mũi Họng có giá khám 70.000 đồng
- Chuyên khoa Nam học giá khám là 100.000 đồng.
Giá khám bệnh tại khoa khám theo yêu cầu
Khám tại Khoa khám bệnh theo yêu cầu C4 và Khoa điều trị theo yêu cầu 1C: sẽ có 2 mức giá để người bệnh lựa chọn:
- Khám với Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I: 300.000 đồng
- Khám với Trưởng khoa, Phó khoa, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II: 500.000 đồng
Ngoài ra, nếu người bệnh mượn xe đẩy, cáng… để di chuyển phải tạm ứng tiền. Sau khi trả đồ thì nhân viên sẽ trả lại tiền cọc. Cụ thể như sau:
- Sau khi tiếp đón bạn sẽ được yêu cầu tạm ứng 1 khoản tại Quầy thu ngân, sau khi khám bệnh, làm các dịch vụ xét nghiệm, cận lâm sàng (chụp chiếu) và kết luận khám thì bạn sẽ được lấy lại tiền tạm ứng.
- Có các mức tạm ứng, tùy vào từng dịch vụ khám của người bệnh mà nhân viên thu ngân sẽ yêu cầu tạm ứng từ 3.000.000VNĐ đến 5.000.000VNĐ hoặc mức tiền tạm ứng khác phù hợp với số tiền bệnh nhân có.
- Trong quá trình khám bệnh nếu dịch vụ xét nghiệm, cận lâm sàng vượt quá số tiền tạm ứng ban đầu thì người bệnh phải đóng thêm tiền tạm ứng mới đi thực hiện dịch vụ tiếp được.
- Ngoài ra, tạm ứng mượn cáng, mượn xe đẩy lần lượt là 2.000.000VNĐ và 5.000.000VNĐ.
- Sau khi hoàn tất quá trình khám bệnh, người bệnh sẽ quay về các quầy thu ngân ban đầu để lấy lại tiền thừa (Hoàn ứng).
Kinh nghiệm khi đi khám ở bệnh viện Việt Đức
Quy trình thăm khám tại bệnh viện 16 Phủ Doãn được chia thành 3 hình thức. Là khám có BHYT, không có BHYT và khám dịch vụ. Cụ thể như sau:
Thủ tục thăm khám không có bảo hiểm y tế:
- Bước 1: Bệnh nhân gửi xe trước cổng bệnh viện, di chuyển vào nhà C4, tầng 1 để lấy số khám tại quầy hỗ trợ.
- Bước 2: Lại các cửa tiếp nhận bệnh từ số 0 đến số 3 để đăng ký và đóng tiền khám.
- Bước 3: Di chuyển đến phòng khám chuyên khoa tại các tầng 1,2 tòa nhà C2 theo hướng dẫn.
- Bước 4: Tới phòng P224 đóng tiền và thực hiện các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm… nếu được bác sĩ chỉ định.
- Bước 5: Bác sĩ tại phòng khám chuyên khoa ban đầu đọc kết quả xét nghiệm và ra kết luận. Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc về nhà điều trị hoặc nhập viện, chuyển viện tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Bước 6: Bệnh nhân lấy số thanh toán tại các cửa 19, 29, 21, 22, 23. Sau đó, đóng tiền thuốc và lãnh thuốc ra về.
Quy trình khám bảo hiểm y tế tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức:
- Bước 1: Sau khi gửi xe, bệnh nhân tới tòa nhà C4, tầng 1 lấy số khám bệnh.
- Bước 2: Nộp sổ, thẻ BHYT, CMND, giấy chuyển viện ( nếu có) và đăng ký khám tại các ô có số thứ tự từ 4 đến 18. Đóng tạm ứng viện phí theo yêu cầu.
- Bước 3: Di chuyển đến tòa nhà C2 và vào phòng khám chuyên khoa tại tầng 1 hoặc tầng 2 theo đúng số phòng được ghi trên phiếu tiếp nhận.
- Bước 4: Thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bệnh nhân thấy số tiền in trên phiếu chỉ định bị âm thì cần tới ô cửa 24 để xác nhận viện phí trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Bước 5: Trở lại phòng khám ban đầu để nghe bác sĩ kết luận về tình trạng bệnh và chỉ định điều trị.
- Bước 6: Thanh toán tiền chênh lệch bảo hiểm tại các quầy từ số 4-18 và lãnh thuốc ra về.
Quy trình khám bệnh theo yêu cầu:
- Bước 1: Bệnh nhân tới quầy tiếp nhận để được tư vấn và đăng ký khám bệnh.
- Bước 2: Người bệnh nhận phiếu khám trong đó có cung cấp mã tiếp nhận và thông tin cá nhân.
- Bước 3: Lại quầy đóng tạm ứng viện phí theo hướng dẫn và di chuyển vào phòng khám chuyên khoa.
- Bước 4: Bác sĩ khám bệnh và ra chỉ định thực hiện cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
- Bước 5: Bệnh nhân nhận kết quả cận lâm sàng và trở về phòng khám ban đầu nghe bác sĩ kết luận bệnh, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
- Bước 6: Thanh toán viện phí và lãnh thuốc.
Đối với trường hợp cấp cứu
Bước 1. Người bệnh BHYT vào cấp cứu làm thủ tục khám và nộp tiền như các bước trên.
Bước 2. Sau khi bác sỹ khám và kê đơn thuốc cho điều trị ngoại trú người nhà mang toàn bộ liên quan đến ô 2A1 đến 2A7 làm thủ tục BHYT và lấy lại tiền trước khi đưa người bệnh ra khỏi bệnh viện.
Kinh nghiệm đi mổ ở Việt Đức
Người bệnh mang Giấy vào viện đến nhà C4 lấy mã số sau đó sang cửa 2A1 đến 2A7 để làm thủ tục kết thúc khám ngoại trú. Sang cửa BHYT nội trú từ 2A8 đến 2A12 để nộp tạm ứng viện phí và đóng dấu BHYT.
Khi có chỉ định ra viện, mang các giấy tở liên quan đến ô từ 2A8 đến 2A12 làm thủ tục thanh toán lấy lại thẻ BHYT và Biên lai thu tiền phí, lệ phí.
Sau khi thanh toán xong mang Biên lai thu tiền khoa nơi người bệnh điều trị để lấy Giấy ra viện.
Những điều cần biết khi làm thủ tục BHYT nội trú cho người bệnh mổ cấp cứu
Người bệnh BHYT cấp cứu làm thủ tục vào viện và nộp tiền cũng như các bước không có BHYT.
Sau khi nhập viện có số giường,mang tất cả các giấy tờ đến văn phòng khoa nơi người bệnh đang điều trị. Để nhân viên văn phòng khoa xác nhận. Sau đó mang đến nộp ở cửa 2A1 đến 2A7 và nhận giấy hẹn. Thời gian trình thẻ BHYT chậm nhất là 01 ngày trước khi người bệnh chuẩn bị ra viện.
Xem thêm: Sơ đồ và quy trình khám tại bệnh viện nhi đồng 1
Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đi khám?
Một kinh nghiệm khi đi khám ở bệnh viện Việt Đức đó là mọi người luôn phải ghi nhớ chuẩn bị đầy đủ những điều dưới đây. Để tránh gặp phải khó khăn hay rắc rối trong suốt thời gian đi khám. Dù cho là bạn khám theo yêu cầu ở bệnh viện Việt Đức, khám tự nguyện hay khám BHYT thì tốt nhất vẫn cần chủ động để tránh phiền toái phát sinh như:
- Đến từ sớm để xếp hàng đợi khám. Tốt nhất nên trước giờ bệnh viện hoạt động từ 20 phút để lấy số, tránh chờ đợi quá lâu làm mất thời gian.
- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cá nhân như chứng minh thư, thẻ bảo hiểm y tế (nếu có). Thẻ bảo hiểm khám bệnh (nếu có). Các giấy tờ đã từng điều trị bệnh tại bệnh viện Việt Đức (nếu có). Kinh phí dự tính từ trước để tránh phải chạy đi chạy lại nhiều.
- Ghi nhớ thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của bản thân như tiền sử có mắc bệnh gì không. Đã từng phải cấp cứu nhập viện chưa? Có đang chữa bệnh gì, uống thuốc nào, đã tiêm phòng đầy đủ chưa? Cơ thể có dấu hiệu bất thường nào không?
- Nếu muốn xét nghiệm máu thì bạn nên nhịn ăn sáng; khám phụ khoa hay khám nam khoa nên kiêng quan hệ trong vòng 72h cho đến thời điểm khám; muốn siêu âm bàng quang thì nên nhịn đi tiểu. Trường hợp bạn quên điều gì có thể hỏi trực tiếp nhân viên y tế để được hướng dẫn đầy đủ nhất.
Đường đi đến Bệnh viện Việt Đức
Bệnh viện Việt Đức rất rộng và có nhiều cổng khác nhau gồm 1 cổng chính ở đường Tràng Thi và 3 cổng ở đường Phủ Doãn. Cổng chính có địa chỉ là 40 Tràng Thi thường được ghi trên các trang website. Tuy nhiên, cổng này thường chỉ dành cho những công việc giấy tờ hành chính. Người bệnh đến khám thì nên đi các cổng phụ trên đường Phủ Doãn.
Nếu bạn ở khu vực ngoại tỉnh di chuyển xe khách lên các bến xe, bạn có thể lựa chọn đi xe ôm, taxi, hay các tuyến xe bus theo khoảng cách như sau:
- Bến xe Mỹ Đình cách bệnh viện Việt Đức khoảng 9 – 10km. Xe bus có tuyến 34 Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm.
- Bến xe Giáp Bát cách Bệnh viện Việt Đức khoảng 6 – 7km. Bạn có thể lựa chọn tuyến bus 32 Nhổn – Bến xe Giáp Bát hoặc 03 Bến xe Giáp Bát – Bến xe Gia Lâm.
- Bến xe Nước Ngầm đến Bệnh viện Việt Đức khoảng 8 – 9km. Bạn có thể di chuyển bằng tuyến bus 08 Long Biên – Đông Mỹ.
- Bến xe Gia Lâm cách bệnh viện Việt Đức quãng đường khoảng 6km. Người bệnhcó thể di chuyển bằng tuyến bus 01 Bến xe Gia Lâm – Bến xe Yên Nghĩa.
- Bến xe Yên Nghĩa đến bệnh viện Việt Đức cách nhau 14 km nhưng cũng có rất nhiều tuyến xe đi qua. Bạn có thể lựa chọn đi tuyến 02 Bác Cổ – Bến xe Yên Nghĩa, tuyến 09 Bờ Hồ – Bến xe Yên Nghĩa.
Một số lưu ý khi đến khám tại Bệnh viện Việt Đức
Dù là khám theo yêu cầu hay khám thông thường thì cần ghi nhớ một số lưu ý dưới đây:
- Nếu bạn đi khám vào các ngày đầu tuần từ thứ 2 đến thứ 4 thì sẽ đông và mất nhiều thời gian chờ đợi hơn các ngày cuối tuần còn lại.
- Từ 7h00 – 9h00 là khoảng giờ cao điểm tại Bệnh viện Việt Đức.
- Nếu bạn đi xe máy đến đây, tầm giờ cao điểm bãi gửi xe thường hết chỗ. Bạn nên chủ động gửi sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương hoặc Bệnh viện K dọc đường Phủ Doãn.
- Cùng với đó, Bệnh viện Việt Đức gần như không có chỗ để xe ô tô. Nếu bạn đi bằng xe ô tô cá nhân, phải đi sang Cung Văn hóa Hữu Nghị Việt Xô cách đó khoảng 600 – 700m.
- Khi khám theo yêu cầu ở Bệnh viện Việt Đức, khám tại khoa điều trị theo yêu cầu 1C sẽ ít bệnh nhân. Do đó, thời gian chờ khám cũng đỡ lâu hơn Khoa khám theo yêu cầu C4. Thực hiện chụp chiếu cơ bản (X – quang, siêu âm, xét nghiệm) ở khoa 1C thường rất nhanh. Còn chụp cộng hưởng từ MRI, CT – scan sẽ được thực hiện chung với Khoa C4.
- Nếu bạn muốn đăng ký khám dịch vụ ở bệnh viện Việt Đức nên đi khám vào buổi sáng. Còn buổi chiều có thể các bác sĩ sẽ có lịch mổ hoặc hội chẩn các ca bệnh phức tạp.
Bài viết trên đây là những thông tin tổng quan về bệnh viện Việt Đức và những kinh nghiệm khi đi khám ở đây . Chúc bạn luôn mạnh khỏe !