Hướng dẫn đi khám Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM
Ngày cập nhật :12/05/2023
Hướng dẫn đi khám Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM mà bài viết chia sẻ dưới đây chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Bao gồm: Địa chỉ, thời gian thăm khám, quy trình, thế mạnh, chi phí. Cùng với đó là những review chi tiết về quá trình thăm khám tại đây.
Để việc khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược thuận lợi hơn, bạn cần biết sơ qua một số thông tin về bệnh viện.
Nội Dung Chính
- 1 Đôi nét về Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- 2 Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 chuyên về gì?
- 3 Đội ngũ bác sĩ giỏi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- 4 Máy móc kỹ thuật tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
- 5 Quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- 6 Hướng dẫn di chuyển đến bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- 7 Kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- 8 Đăng kí khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- 9 Khoa Khám bệnh có khám theo yêu cầu không?
- 10 Bảo hiểm áp dụng tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
- 11 Lưu ý khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Đôi nét về Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM thành lập năm 1994. Sau 24 năm phát triển, bệnh viện đã trở thành một trong những nơi chăm sóc sức khoẻ hàng đầu ở khu vực miền Nam với mục tiêu phát triển bền vững.
Lượng bệnh nhân đến thăm khám hàng ngày từ 8000 – 9000 lượt.
Phương châm của bệnh viện
- Luôn tiên phong trong điều trị và nghiên cứu khoa học.
- Các bác sĩ, nhân viên y tế luôn thấu hiểu nỗi đau về thể xác và tinh thần của người bệnh.
- Hệ thống phòng khám luôn đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Địa chỉ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hiện có 3 cơ sở và phòng khám bệnh viện đại học Y dược 1 đang hoạt động ở 4 địa chỉ khác nhau.
Cơ sở 1
- Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TP.HCM
Đây là cơ sở khang trang, có quy mô lớn nhất, mới hoàn thành và đưa vào hoạt động từ đầu 2013. Hàng ngày cơ sở này tiếp nhận khoảng 7000 – 8000 lượt khám đối với các bệnh nhân khám các chuyên khoa, dịch vụ khác nhau. Hầu hết bệnh nhân khám lâm sàng nội và ngoại trú được tập trung về cơ sở 1 nhiều hơn cả.
Cơ sở vật chất, máy móc và thiết bị của cơ sở 1 đều được đầu tư mới hoàn toàn, hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Không gian khu vực chờ khám, khám hay xét nghiệm, chụp chiếu rộng và tiện lợi hơn nhiều cho người bệnh và người thân trong quá trình khám.
Cơ sở 2
- Địa chỉ: 201 Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM
Cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chỉ khám chuyên sâu một số chuyên khoa nhất định như:
- Tai Mũi Họng
- Sản phụ khoa
- Vật lý trị liệu
- Tiêu hóa
- Thần kinh
- Tim mạch
- Cơ xương khớp…
Cơ sở này có chức năng chính là nơi thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp, đồng thời nghiên cứu và áp dụng các phương pháp phẫu thuật hiện đại.
Cơ sở 3
- Địa chỉ: 221B Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM
Cơ sở 3 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM chuyên về khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền, châm cứu và thực hiện các dịch vụ, kỹ thuật cận lâm sàng.
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1
- Địa chỉ: 20-22 Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, TP.HCM
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1 được coi là phòng khám dịch vụ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Phòng khám chuyên sâu khám và điều trị một số chuyên khoa như:
- Tai Mũi Họng
- Hô hấp – Phổi
- Cơ xương khớp
- Dị ứng miễn dịch
- Tim mạch
- Sức khỏe tâm thần
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ
Phòng khám có đội ngũ bác sĩ không chỉ từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mà còn được mời từ các bệnh viện lớn khác như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115,….
Xem thêm: Bệnh viện 103 có tốt không? Kinh nghiệm thăm khám + chi phí
Thời gian khám chữa bệnh
Thời gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 1 cụ thể như sau:
- Thứ 2 – thứ 6: 6h30 – 16h30
- Thứ 7: sáng từ 6h30 – 12h00
Hầu hết các khoa bắt đầu làm việc từ lúc 6 giờ 30 sáng. Ngoại trừ những khoa sau làm việc từ rất sớm (5 giờ sáng) như:
- Xét nghiệm ở khu B, C
- Tiếp nhận phiếu đăng ký khám bệnh khu A và C
- Khu thu ngân B và C
- Bác sĩ tư vấn ở khu B, C
Người bệnh đi khám có thể xếp hàng và lấy số thứ tự đăng kí khám từ 4h sáng.
Nếu người bệnh chỉ khám cận lâm sàng (làm các xét nghiệm, chụp chiếu,…) thì có thể được thực hiện từ 5h30 sáng. Còn lại các trường hợp khám bệnh chuyên khoa sẽ bắt đầu từ đúng 6h30 sáng.
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 chuyên về gì?
Là một trong những bệnh viện công lập lớn và uy tín hàng đầu TP.HCM, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM nhận khám và điều trị chuyên sâu hầu hết các chuyên khoa:
Khám chuyên khoa
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là phòng khám đa khoa. Trong đó có một số chuyên khoa thế mạnh điển hình như:
- Chẩn đoán hình ảnh: chụp Xquang, cộng hưởng từ MRI, cắt lớp vi tính CT-Scan, siêu âm tim, siêu âm, siêu âm thai…
- Cơ xương khớp
- Hô hấp & Dị ứng Miễn dịch
- Nhi khoa
- Sức khỏe tâm thần
- Nội Tiêu hóa – Viêm gan
- Sản – Phụ khoa
- Tai Mũi Họng cho cả người lớn và trẻ em
- Tim mạch…
Khám Tổng quát
Bên cạnh khám chuyên khoa, Phòng khám còn có những gói khám sức khỏe định kỳ cho cá nhân và doanh nghiệp. Hầu hết các gói khám đã được phòng khám lên danh mục sẵn có mức chi phù hợp với nhiều người.
Dịch vụ khám tổng quát tại Phòng khám BV Đại học Y dược cũng rất đa dạng, gồm:
- Gói khám tổng quát cơ bản, nâng cao cho nam và nữ riêng: chi phí từ 2-6 triệu đồng.
- Gói khám tầm soát ung thư toàn diện: 9-11 triệu đồng
- Tầm soát ung thư phổi: 2,6 triệu đồng
- Tầm soát ung thư cổ tử cung: 2,2 triệu đồng
- Tầm soát ung thư gan
- Tầm soát ung thư hệ tiêu hóa
Chi phí cũng như danh mục gói khám mang tính chất tham khảo, phòng khám cũng khuyến khích người bệnh trao đổi với bác sĩ khi khám để được tư vấn danh mục gói khám phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe.
Đội ngũ bác sĩ giỏi tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Các bác sĩ tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 chủ yếu là đã và đang công tác trong chính Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ tại Bệnh viện Nhân Dân 115 và một số bệnh viện tên tuổi khác.
Một số bác sĩ tiêu biểu như:
PGS.TS.BS Lê Anh Thư – Cơ Xương Khớp
- Nguyên Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp – Bệnh Viện Chợ Rẫy
- 40 năm kinh nghiệm về khám chữa bệnh Cơ Xương Khớp
BSCKII Nguyễn Thanh Hiền – Tim mạch
- Nguyên Trưởng khoa Nội Tim mạch – Bệnh viện Nhân Dân 115
- 35 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý Tim mạch
- Giảng viên thỉnh giảng Học Viện Quân Y
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan – Hô hấp
- Nguyên Giám đốc TT Chăm sóc hô hấp – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
- Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam
- Giảng viên chính Khoa Y- Trường Đại học Y Dược TP.HCM
GS.TS.BS Phạm Kiên Hữu – Tai Mũi Họng
- Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
- Giảng viên Bộ môn Tai Mũi Họng – Trường Đại học Y Dược TP.HCM
BSCKII Trần Minh Khuyên- Sức khỏe Tâm thần
- Nguyên Trưởng khoa lâm sàng, Bệnh tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh
- Tốt nghiệp Tâm lý trị liệu, trường Tâm lý Thực hành Paris
Tuy nhiên, lịch khám của các bác sĩ có thể thay đổi nếu bác sĩ có công việc đột xuất, có thể do lịch trực hoặc công tác. Người bệnh cần Đặt lịch trước tại đây để chắc chắn được khám đúng bác sĩ và được ưu tiên trong quá trình đi khám.
Máy móc kỹ thuật tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là một trong số ít phòng khám tại TP.HCM được trang bị đầy đủ từ A -> Z các thiết bị trong thăm khám. Những máy móc này đều được đầu tư mới và có công nghệ cao:
- Xét nghiệm: Hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại về sinh hóa, miễn dịch, nước tiểu, huyết học, xét nghiệm sinh học phân tử
- Chụp cộng hưởng từ MRI 1.5 Tesla: Chụp sọ não, cột sống, chụp xương khớp, chụp vú, chụp mạch máu
- Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan 128 dãy: Chụp não, cột sống, ngực, bụng, chi trên, chi dưới
- Chụp X-Quang kỹ thuật số: Thực hiện tất cả các kỹ thuật chụp X quang thông thường: ngực, xương khớp, sọ, xoang, chụp bụng không, chụp hệ niệu… (trừ chụp răng và chụp nhũ ảnh).
- Siêu âm: Siêu âm tổng quát vùng bụng, tuyến giáp, tuyến vú và các phần nông, Siêu âm sản phụ khoa, Siêu âm Doppler mạch máu, Siêu âm nội soi tuyến tiền liệt…
- Điện tim: Phương pháp điện tim 24h để chẩn đoán bệnh lý nhịp tim.
- Nội soi Tiêu hóa: 2 hệ thống nội soi, 3 ống soi dạ dày, 2 ống soi đại tràng hãng Olympus
- Đo hô hấp ký: Chẩn đoán và theo dõi bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xác định nguyên nhân của các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở, khò khè
- Đo đa ký giấc ngủ: Đây là phương pháp theo dõi một số hoạt động của cơ thể khi ngủ và là cách tốt nhất để chẩn đoán xác định một số rối loạn giấc ngủ như: ngưng thở lúc ngủ, rối loạn chuyển động chi có chu kỳ, mộng du…
Quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Dưới đây là quy trình khám chữa bệnh tại Đại học Y dược TP.HCM các bạn có thể tham khảo.
Trường hợp có thẻ BHYT
Giấy tờ cần chuẩn bị
Khi đi khám, bạn cần mang theo các giấy tờ sau (bản chính và bản photo):
- Thẻ BHYT
- CMND hoặc một giấy tờ tuỳ thân khác có ảnh của bạn
- Giấy chuyển tuyến đúng tuyến Đại học Y dược TP.HCM (trong trường hợp chuyển viện)
- Giấy hẹn tái khám (trong trường hợp tái khám theo yêu cầu của bác sĩ)
Quy trình thực hiện khám chữa bệnh có thẻ BHYT
- Bước 1: Đến quầy hướng dẫn (trong trường hợp khám lần đầu) để điền thông tin và đánh dấu vào ô BHYT trên phiếu ghi thông tin. Nếu bạn đi tái khám, hãy bỏ qua bước này
- Bước 2: Bạn mang theo phiếu ghi thông tin hoặc giấy hẹn tái khám lại quầy Đăng ký khám bệnh. Hãy nhớ xác nhận BHYT trên phần mềm tại quầy. Bạn đóng tiền tại quầy, sau đó nhận số thứ tự để vào phòng khám chuyên khoa tuỳ theo bệnh của bạn
- Bước 3: Bạn đến đúng phòng ghi trên tờ số thứ tự, đợi đến lượt là vào khám
- Bước 4: Nếu bạn được bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, hãy quay lại Quầy để đóng tiền và thanh toán tiền. Sau khi hoàn thành thủ tục, bạn hãy đi đến từng phòng xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng
- Bước 5: Ngay sau khi có kết quả, bạn hãy trở về phòng để được bác sĩ chẩn đoán và nhận toa thuốc
- Bước 6: Kết toán BHYT tại tầng trệt khu A. Bạn cần được đóng mộc lên toa thuốc, photo toa thuốc và đóng tiền chênh lệch tại quầy 17, 18, 19 và 20
- Bước 7: Bạn qua khu B để được nhận thuốc tại nhà thuốc B
Trường hợp không có thẻ BHYT
- Bước 1: Đến quầy hướng dẫn (trong trường hợp khám lần đầu) để điền thông tin của mình (họ tên, tuổi, địa chỉ liên lạc…) trên phiếu ghi thông tin. Nếu bạn đi tái khám, hãy bỏ qua bước này
- Bước 2: Bạn mang theo phiếu ghi thông tin hoặc giấy hẹn tái khám lại quầy Đăng ký khám bệnh. Bạn đóng tiền tại quầy, sau đó nhận số thứ tự để vào phòng khám chuyên khoa tuỳ theo bệnh của bạn
- Bước 3: Bạn đến đúng phòng ghi trên tờ số thứ tự, đợi đến lượt vào khám
- Bước 4: Nếu được bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, bạn hãy quay lại quầy để đóng tiền và thanh toán. Sau khi hoàn thành thủ tục, bạn hãy đi đến từng phòng xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ, thực hiện các cận lâm sàng
- Bước 5: Ngay sau khi có kết quả, bạn hãy trở về phòng để được bác sĩ chẩn đoán và nhận toa thuốc
- Bước 6: Bạn có thể mua thuốc ở nhà thuốc khu A hoặc khu B của bệnh viện
Hướng dẫn di chuyển đến bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Người bệnh có thể di chuyển đến bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM bằng xe bus, xe máy, ô tô. Với người bệnh ở tỉnh xa có thể đến viện bằng xe khách.
Dưới đây là một số lộ trình các bạn có thể tham khảo.
Từ bến xe Miền Đông đến bệnh viện Đại học Y dược
Khoảng cách từ 11 đến 13 km. Đường đi ít kẹt xe và ngắn nhất là: bến xe Miền Đông – Đinh Bộ Lĩnh – Điện Biên Phủ – Võ Thị Sáu – Ba Tháng Hai – Nguyễn Kim – Hồng Bàng.
- Nếu chọn phương tiện là xe ôm thì anh/chị nên trả giá khoảng 80 đến 100 nghìn, đi trong 25 đến 30 phút là đến nơi.
- Nếu phương tiện là Taxi thì chi phí khoảng 200 nghìn, thời gian mất khoảng 30 phút.
- Đối với xe Buýt thì anh/chị chọn tuyến xe Buýt số 14, mỗi 12 phút là có 1 chuyến. Thời gian đi đến bệnh viện bằng xe Buýt khoảng 1 tiếng 10 phút.
- Trong trường hợp anh/chị muốn đi từ bệnh viện quay lại bến xe Miền Đông thì đi theo tuyến xe Buýt số54 và số 8.
Từ bến xe Miền Tây đến bệnh viện Đại học Y dược
Khoảng cách tầm từ 6 đến 7 km. Nếu chọn phương tiện là xe ôm thì anh/chị nên trả giá khoảng 30 đến 50 nghìn. Đi trong 15 phút là đến nơi.
- Nếu phương tiện là Taxi thì chi phí khoảng 100 nghìn, thời gian mất khoảng 20 phút.
- Đối với xe Buýt thì anh/chị chọn tuyến xe Buýt số 10. Mỗi 10 phút là có 1 chuyến, thời gian đi đến bệnh viện bằng xe Buýt khoảng 40 phút.
- Để đi ngược lại từ bệnh viện đến bến xe Miền Tây, anh/chị chọn tuyến xe Buýt số 14 tại phía trước cổng bệnh viện.
- Anh/chị nào đi đến bến xe Miền Tây bằng xe khách Mai Linh, thì nhà xe có xe trung chuyển miễn phí đến bệnh viện luôn.
- Từ những nơi khác đến bệnh viện Đại học Y dược và ngược lại
- Chúng tôi chỉ gợi ý đối với phương tiện di chuyển là xe Buýt, vui lòng xem hình ảnh bên dưới để biết các tuyến xe Buýt có đi qua bệnh viện (ngay trước cổng bệnh viện có trạm xe Buýt).
Kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Dưới đây là một vài chia sẻ về kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM mà bạn đọc có thể tham khảo.
Vị trí khoa Khám bệnh
- Vị trí: Tầng trệt, khu A, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- Quầy đăng kí của Khoa Khám bệnh nằm ngay tại tầng trệt, Khu A của bệnh viện. Nếu đi từ cổng Hồng Bàng số 2 (cổng số 1 luôn đóng trừ khi có sự kiện),quầy đăng kí và bàn hướng dẫn sẽ nằm bên tay phải.
Di chuyển trong khoa Khám bệnh
- Tại khoa Khám bệnh, các phòng khám chuyên khoa được đánh số thứ tự từ 1 – 70. Từ phòng khám số 1 – 45 được xếp từ tầng trệt lên lầu 1 khu A. Các phòng khám còn lại có số thứ tự từ 46 – 70 được xếp ở tầng trệt khu B.
- Sau khi đăng kí khám xong, tùy thuộc vào chuyên khoa khám mà người bệnh sẽ được hướng dẫn đến các phòng khám theo đăng kí. Ngoài ra, các chỉ định cận lâm sàng cũng được thực hiện tại tầng trệt và lầu 1 của khu A để tạo sự tiện lợi cho bệnh nhân trong quá trình di chuyển.
Đăng kí khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Có 3 hình thức đăng kí khám bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM:
Đăng kí qua tổng đài Bệnh viện
Người bệnh có thể gọi đến tổng đài Bệnh viện qua số 19007178 để đặt lịch khám trước, tối đa trước 30 ngày khám. Thời gian đặt khám là từ 7h – 11h30 các ngày từ thứ 2 – thứ 7.
Đăng kí qua website/apps đặt lịch khám của Bệnh viện
Một cách khác để hẹn lịch khám là đăng kí trực tuyến qua website hoặc apps (ứng dụng trên điện thoại) đặt khám của Bệnh viện.
Người bệnh có thể đặt khám 24/7 thông qua phương thức này, ít nhất trước 1 ngày khám.
Nếu đăng kí khám trong ngày, khi đi khám thì sẽ không được ưu tiên mà vẫn phải xếp hàng, chờ đợi như bình thường.
Đăng kí trực tiếp tại Bệnh viện
Người bệnh đăng kí khám trực tiếp trong ngày đi khám bằng việc điền đầy đủ thông tin vào phiếu đăng kí khám lấy ở bàn hướng dẫn, tầng trệt khu A. Sau đó đến quầy đăng kí khám thích hợp theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Hoặc, người bệnh có thể đăng kí khám trực tiếp tại các máy đăng kí tự động phía sau bàn hướng dẫn ở tầng trệt khu A. Sẽ có nhân viên bệnh viện đứng tại các máy này để hướng dẫn người bệnh đăng kí.
Lưu ý: Hai hình thức đăng kí khám số 1 và số 2 không áp dụng cho bệnh nhân khám BHYT hoặc bệnh nhân chuyển viện.
Xem thêm: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Lịch khám, quy trình, bảng giá
Khoa Khám bệnh có khám theo yêu cầu không?
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu. Nhưng Khoa chỉ khám Sức khỏe tổng quát cho các đối tượng dưới đây, không khám theo Chuyên khoa.
- Cá nhân có nhu cầu khám tổng quát
- Doanh nghiệp có nhu cầu khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho nhân viên
- Khám cho cá nhân đi lao động, học tập hay định cư nước ngoài,….
Nếu có nhu cầu khám tổng quát, người bệnh cần làm thủ tục tại bàn hướng dẫn tại tầng trệt, khu B (từ cổng Hồng Bàng số 2, rẽ tay trái)
Bảo hiểm áp dụng tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1
Hiện tại, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 có áp dụng thanh toán bảo hiểm với cả bảo hiểm y tế nhà nước và bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ.
Bảo hiểm y tế
Áp dụng cho trường hợp khám thông thường, đối với khám chuyên gia sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế nhà nước.
Bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ
Một số loại bảo hiểm bảo lãnh trực tiếp tại phòng khám:
- Công ty Bảo hiểm VBI
- Công ty TNHH INSMART
- Công ty Bảo hiểm nhân thọ GENERALI
- Công ty Bảo hiểm Bảo Việt
- Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC)
- Bảo hiểm Nam Á (SAS)
- Bảo hiểm FTC
- Công ty Bảo hiểm Bưu điện Bến Thành
Với các loại bảo hiểm tư nhân khác chưa có bảo lãnh trực tiếp, phòng khám sẽ xuất hóa đơn tài chính (hóa đơn đỏ) và hỗ trợ người bệnh hoàn thiện hồ sơ để làm việc với đơn vị bảo hiểm.
Lưu ý khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
- Lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM rất đông. Do đó người bệnh nên đặt lịch khám trước ở nhà để tiết kiệm thời gian chờ đợi.
- Nếu như đã đặt lịch trước, người bệnh nên chủ động đến sớm khoảng 30 phút để thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định và tránh bị trôi qua số khám của mình, ảnh hưởng đến những người khám sau.
- Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM có triển khai thanh toán qua Thẻ khám bệnh cho người đi khám. Bệnh nhân nạp vào thẻ một số tiền nhất định và sau đó có thể dùng thẻ để thanh toán viện phí. Nếu còn dư tiền sẽ được Bệnh viện trả lại sau khi hoàn tất quá trình khám.
- Bệnh nhân đi xe ô tô thì vào cổng số 1, đi xe máy thì vào cổng số 2. Cả 2 cổng đều nằm trên đường Hồng Bàng.
Với những kinh nghiệm và hướng dẫn đi khám Phòng khám Bệnh viện Đại học Y dược 1 TPHCM mà bài viết chia sẻ trên đây. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích và giúp người bệnh chuẩn bị tốt trước khi đến khám tại cơ sở này.